Thời gian qua, bằng việc đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng và ứng dụng những cơ chế, chính sách phù hợp, mạng lưới logistics trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển tích cực.

Cảng Dịch vụ Tổng hợp Hưng Thái có nhiều thuận lợi để cung cấp dịch vụ vận chuyển container đi các ICD bằng xà lan. Trong ảnh: Bốc xếp hàng tại Cảng Dịch vụ Tổng hợp Hưng Thái. Ảnh: TRÀ NGÂN

NHỮNG KHỞI ĐỘNG MỚI

Cảng Dịch vụ tổng hợp Hưng Thái được định hình với tiềm năng là trung tâm logistics cho khu vực Cái Mép – Thị Vải (CM-TV), cung cấp các dịch vụ xếp dỡ container trung chuyển cho các cảng; trung tâm đóng rút hàng container; dịch vụ xếp dỡ hàng rời cho các tàu, xà lan nội địa; các dịch vụ Depot/ICD và các dịch vụ logistics trọn gói. Điều này đã tạo điều kiện cho khách hàng trong khu vực BR-VT và khu vực lân cận có nhu cầu lấy và trả rỗng tại depot ở CM-TV, giúp giảm chi phí vận tải 1,5 lần, giảm thời gian 5 lần.

Xe container vận chuyển hàng từ cầu cảng về bãi lưu container tại Cảng TCIT.

Bà Phạm Thị Bảo Hạnh, Phó Tổng Giám đốc VNL cho biết: “Với vị trí thuận lợi nằm giữa các cảng lớn, Cảng Dịch vụ tổng hợp Hưng Thái là địa điểm cung cấp dịch vụ hậu cần cho các cảng biển. Với chức năng của ICD, Cảng Dịch vụ tổng hợp Hưng Thái là địa điểm tập kết, đóng rút hàng hóa và nhận trả container rỗng thuận lợi nhất cho các khách hàng trong khu vực”.

Đi vào hoạt động từ giữa tháng 6/2019, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX. Phú Mỹ), Trung tâm Logistics Phú Mỹ 3 do Công ty Việt – Nhật Shirogane Logistics (VJS) – liên doanh giữa 2 nhà đầu tư Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ và Công ty TNHH Shirogane Transport (Nhật Bản) bước đầu đã đáp ứng nhu cầu của các DN xuất nhập khẩu trong khu vực. Dự án Trung tâm Logistics Phú Mỹ 3 có diện tích đất sử dụng 2,25ha, tổng mức đầu tư 5,4 triệu USD, bao gồm các hạng mục: hệ thống kho tổng hợp, kho đông lạnh, kho mát; hệ thống camera giám sát 24/7; hệ thống PCCC đạt tiêu chuẩn, bãi chứa container… Đặc biệt dự án có 8 điểm tiếp nhận container, đáp ứng đa dạng các nhu cầu làm hàng của DN. Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, Chủ tịch VJS cho biết: Trung tâm tập trung phát triển các dịch vụ logistics tích hợp trọn gói và đồng bộ, trên cơ sở phát triển chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả và chuyên nghiệp bao gồm: Dịch vụ đại lý vận tải, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, làm thủ tục hải quan, lập kế hoạch bốc dỡ, đóng gói dán nhãn mác hàng hoá để lưu thông và các dịch vụ bổ trợ khác để đáp ứng yêu cầu về phân phối hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu của các DN trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, DN xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh BR-VT cũng như các địa phương lân cận. “Với mong muốn mang lại dịch vụ hậu cần tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, góp phần tối ưu hoá chi phí sản xuất và mang lại giá trị gia tăng cho các nhà đầu tư. Thời gian tới, VJS sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng thêm các nhà kho thứ 2 và thứ 3, góp phần đưa BR-VT trở thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực”, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi nói.

Phát triển logistics sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Bốc xếp hàng lên sà làn tại Cảng CMIT.

NHƯNG VẪN CÒN NHIỀU HẠN CHẾ, BẤT CẬP  

Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, khu vực CM-TV đã có 21/35 dự án cảng biển lần lượt đi vào khai thác, với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, công suất đạt 113 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đây cũng là lúc những bất cập về sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch phát triển kinh tế cảng mới được nhận diện. Đó là thiếu những trung tâm dịch vụ logistics sau cảng. Toàn tỉnh hiện có gần 150 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, các DN logistics trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được vài dịch vụ đơn lẻ, nhỏ hẹp như gom hàng, lưu kho, thủ tục hải quan… Trong chuỗi giá trị gia tăng logistics, những công đoạn đem lại lợi nhuận lớn, hầu như đều nằm trong tay các công ty 3PL, 4PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3 hay thứ 4 theo hợp đồng) nước ngoài. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin khách hàng, do đó, hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao.

Nguyên nhân dẫn tới chi phí logistics tại khu vực cảng CM-TV cao là do hệ thống giao thông kết nối ở khu vực CM-TV chưa hoàn thiện, thiếu hạ tầng kết nối các khu vực cảng với khu vực tập trung hàng hóa; thiếu các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng. Đặc biệt là kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt với hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển chưa có. Thêm vào đó, vận tải bằng đường bộ từ CM-TV về Cát Lái mỗi xe container phải qua 3 trạm thu phí, với tổng phí 640 ngàn đồng. Hiện cung đường từ CM-TV đến các tỉnh lân cận khác chỉ có duy nhất tuyến Quốc lộ 51, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải; đường liên cảng CM-TV đang được triển khai xây dựng; đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu chưa được triển khai xây dựng. Về hệ thống giao thông kết nối nội vùng, mới chỉ có đường 965 đã hoàn thành; đường 991B mới khởi công.

(Ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT)

Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020 có khoảng 18 nhà khai thác cảng và 219 DN dịch vụ logistics, doanh thu trung bình dịch vụ cảng biển đạt 809 tỷ đồng/năm, dịch vụ logistics đạt 361 tỷ đồng/năm; đóng góp 93.839 tỷ đồng vào GDP chung, chiếm tỷ lệ 47,3% trong nhóm ngành dịch vụ. Tới năm 2020, đáp ứng hiệu quả nhu cầu dịch vụ của 522 DN công nghiệp – xây dựng, các DN này có mức doanh thu trung bình là 1.883 tỷ đồng/năm và đóng góp tổng giá trị sản xuất 982.773 tỷ đồng vào GDP của tỉnh.

Một vấn đề khiến cho việc phát triển logistics vẫn còn nhiều hạn chế là chi phí logistics tại BR-VT khá cao. Theo các DN thường xuyên có hàng hóa container xuất – nhập ở cụm cảng CM-TV cho biết, một container đến hoặc rời CM-TV đang phải “cõng” đủ các loại chi phí. Cụ thể: Xe container đến lấy hàng tại cảng phải nộp cước phí xếp dỡ từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/container; xếp dỡ từ tàu lên xe ngay khu vực cầu cảng, giá từ 280-490 ngàn đồng/container. Ngoài ra, nhiều khoản chi phí khác DN phải chịu (chi phí mất cân đối container, quản lý container, phí vệ sinh, phí sửa container…). Sau khi xe ra khỏi cảng, DN phải cho trả thêm tiền phí đi đường, xăng, dầu và tiền qua trạm thu phí… Điều này khiến cho chi phí vận tải chiếm tới gần 60% tổng chi phí logistics. Ông Nguyễn Minh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen nêu dẫn chứng: “Chi phí vận chuyển một container hàng từ cảng CM-TV về Nhơn Trạch quá đắt so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Cát Lái về Đồng Nai, Bình Dương. Đường từ Nhơn Trạch về Cái Mép chỉ dài 40km nhưng chi phí vận chuyển 1 container lên đến 4,3 triệu đồng, trong khi đoạn đường từ Nhơn Trạch về Cát Lái dài 70km nhưng chi phí vận chuyển chỉ khoảng 3,3 triệu đồng/container. So với chi phí vận tải bằng đường thủy, chi phí vận tải đường bộ đắt gấp 7 lần. Cụ thể, nếu dùng xà lan chuyển hàng từ Cái Mép về Cát Lái thì tốn chi phí 1,2 triệu đồng/container, thấp hơn nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ (4,3-6 triệu đồng/container)”.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguồn trích: www.baobariavungtau.com.vn

 

Related posts