Theo phản ánh của các hộ nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, liên tục từ ngày 6/9 đến nay, đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Chà Và, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Mặc dù UBND tỉnh BR-VT tổ chức nhiều cuộc họp và triển khai nhiều giải pháp với cam kết sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng này trong tháng 9, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa có hướng xử lý triệt để.

1

Sáng 30/9, gần 30 hộ dân nuôi cá lồng bè ở xã Long Sơn đã tiếp tục đề nghị UBND tỉnh sớm có kết luận và hướng giải quyết dứt điểm tình trạng này. Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành đã tiếp các hộ dân.

Theo phản ánh của người dân, 20 ngày qua, tình trạng cá chết trên sông Chà Và vẫn liên tục diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các tiểu khu nuôi cá lồng bè. Thống kê của Sở NN và PTNT, từ ngày 6/9 đến nay, đã có trên 30 hộ dân bị thiệt hại do cá chết với số tiền lên đến 17 tỷ đồng. Hầu hết nguồn vốn của người nuôi đều vay mượn từ Ngân hàng hoặc bạn bè nên bà con mong muốn nhà nước sớm đưa ra nguyên nhân cá chết, buộc các nhà máy chế biến hải sản bồi thường thiệt hại cho dân hoặc có giải pháp hỗ trợ vốn để tái sản xuất.

Phát biểu tại buổi tiếp dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, hiện nay tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý vụ việc cá chết trên sông Chà Và để thu thập dữ liệu, chứng cứ xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt, xác định mức độ thiệt hại, bồi thường cho người dân. Ngày 24/9 vừa qua, Viện môi trường và Tài nguyên thuộc Trường Đại học quốc gia TPHCM đã báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát, lấy mẫu nước từ các nhà máy chế biến hải sản tại Tân Hải và mẫu nước trên sông Chà Và. Theo đó, có 3 nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt gồm: do các nhà máy chế biến hải sản xả thải ra cống số 6; mật độ nuôi lồng bè quá dày và do ô nhiễm từ sinh hoạt hàng ngày của người dân nuôi trồng thủy sản.  Trong đó, nguyên nhân xả thải từ các nhà máy chế biến hải sản vẫn là chủ yếu. Hiện, UBND tỉnh BR-VT đang củng cố hồ sơ pháp lý để có hướng xử lý các nhà máy chế biến hải sản và đề nghị các nhà máy bồi thường thiệt hại cho người dân.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, ngay sau khi có kết quả chính thức của Viện Môi trường và Tài nguyên và báo cáo tổng hợp thiệt hại của Sở NN và PTNT, kết quả thanh tra 22 cơ sở chế biến hải sản Tân Hải của Sở Tài nguyên – Môi trường, UBND tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp đối thoại với người dân để có phương án thống nhất việc bồi thường thiệt hại cho người nuôi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở NN và PTNT sớm rà soát lại quy trình cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên khu vực sông Chà Và và báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, nhà nước sẽ hỗ trợ bà con vay vốn với lãi suất ưu đãi để tái đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.

Huỳnh Lệ (Nguồn: brt.vn)

 

Related posts