Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý
Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Lãnh thổ của tỉnh gồm hai phần: đất liền và hải đảo. Bà Rịa – Vũng Tàu có địa giới hành chính chung dài 16,33 km với thành phố Hồ Chí Minh ở phía Tây, 116,5 km với Đồng Nai ở phía Bắc, 29,26 km với Bình Thuận ở phía Đông, Nam và Tây Nam là biển Đông. Chiều dài bờ biển là 305,4 km với trên 100.000 km2 thềm lục địa. Bà Rịa – Vũng Tàu có 5 huyện, trong đó có 1 huyện đảo, 1 thành phố, 1 thị xã. Ngày 09/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152/2003/NĐ – CP về việc thành lập xã, phường thuộc thành phố Vũng Tàu và huyện Tân Thành, chia huyện Long Đất thành huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng biển, sân bay và mạng lưới đường sông, đường biển thuận lợi. Các đường quốc 51, 55, 56 cùng với hệ thống đường tỉnh lộ, huyện lộ là những mạch máu chính gắn kết quan hệ toàn diện của Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế.
Du-lich-vung-tau-cam-nang-tu-a-den-z-iVIVU.com-1
2. Đặc điểm địa hình
Địa hình toàn vùng phần đất liền có xu hướng dốc ra biển. Tuy nhiên ở sát biển vẫn có một số núi cao. Núi có độ cao lớn nhất chỉ khoảng 500 m. Phần đất liền (chiếm 96% diện tích của tỉnh) thuộc bậc thềm cao nguyên Di Linh – vùng Đông Nam Bộ, độ nghiêng từ tây bắc xuống đông nam, giáp biển Đông. Quần đảo Côn Đảo (chiếm 4% diện tích của tỉnh) gồm 16 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Côn Sơn có diện tích lớn nhất rộng 57,5 km2, cách Vũng Tàu 180 km.
Toàn tỉnh có hơn ¾ diện tích đồi núi, thung lũng thấp, có trên 50 ngọn núi cao 100 m trở lên, khi ra biển tạo thành nhiều vũng, vịnh, mũi, bán đảo, đảo. Độ cao trên 400 – 500 m có núi Ông Trịnh, núi Chúa, núi Thánh Giá. Địa hình tập trung vào 4 loại đặc trưng (đồng bằng hẹp, các núi, gò đồi, thềm lục địa).
3. Khí hậu
Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của đại dương. Nhiệt độ trung bình khoảng 270C; sự thay đổi nhiệt độ của các tháng trong năm không lớn. Số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 2.370 – 2.850 giờ và phân phối đều các tháng trong năm.
Lượng mưa trung bình hàng năm thấp (khoảng 1.600 mm) và phân bố không đều theo thời gian, tạo thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm 90% lượng mưa cả năm; và 10% tổng lượng mưa tập trung vào mùa khô là các tháng còn lại trong năm.
Khí hậu Bà Rịa – Vũng Tàu nhìn chung mát mẻ, rất phù hợp với du lịch, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày (như tiêu, điều, cao su, cà phê) và cho phát triển một nền lâm nghiệp đa dạng.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt của Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu do ba con sông lớn cung cấp, đó là sông Thị Vải, đoạn chảy qua tỉnh dài 25 km, sông Dinh đoạn chảy qua tỉnh dài 30 km, sông Ray dài 120 km. Trên các con sông này có 3 hồ chứa lớn là hồ Đá Đen, hồ sông Ray, hồ Châu Pha…
Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm của tỉnh cũng khá phong phú, tổng trữ lượng có thể khai thác là 70.000 m3/ngày đêm, tập trung vào ba khu vực chính là: Bà Rịa – Long Điền 20.000 m3/ngày đêm; Phú Mỹ – Mỹ Xuân 25.000 m3/ngày đêm; Long Đất – Long Điền 15.000 m3/ngày đêm. Ngoài ba vùng trên, khả năng khai thác nước ngầm rải rác khoảng 10.000 m3/ngày đêm. Nước ngầm trong tỉnh nằm ở độ sâu 60 – 90 m, có dung lượng dòng chảy trung bình từ 10 – 20 m3/s nên khai thác tương đối dễ dàng. Các nguồn nước ngầm có thể cho phép khai thác tối đa 500.000 m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp đủ nước cho nông nghiệp, công nghiệp và cho sinh hoạt.
2. Tài nguyên đất
Với diện tích 197.514 ha, chia thành 4 loại: đất rất tốt là loại đất có độ phì rất cao, chiếm 19.60% diện tích tự nhiên, chủ yếu là đất phù sa và đất xám; đất tốt chiếm 26,40%; đất trung bình chiếm 14,4%; còn lại 39,60% là đất nhiễm phèn, mặn, đất xói mòn.
Đánh giá các loại đất của Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy: nhóm đất có ý nghĩa lớn cho sản xuất nông – lâm nghiệp chiếm 60%, tỷ trọng này tương đối lớn so với nhiều tỉnh trong cả nước. Nhóm đất này bao gồm đất phù sa, đất xám, đất đen và đất đỏ vàng. Điều này cho phép tỉnh có thể phát triển một nền nông nghiệp đủ mạnh. Ngoài ra, còn một tỷ trọng lớn đất không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp bao gồm đất cát, đất nhiễm phèn, mặn, đất xói mòn…
3. Tài nguyên rừng
Diện tích rừng của Bà Rịa – Vũng Tàu không lớn. Đất có khả năng trồng rừng là 38.850 ha, chiếm 19,7% diện tích tự nhiên, trong đó đất hiện đang có rừng là 30.186 ha (rừng tự nhiên là 15.993 ha, rừng trồng là 14.253 ha), như vậy còn khoảng 8,664 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng.
Hiện nay tỉnh có hai khu rừng nguyên sinh là: khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu có diện tích 11.392 ha và khu vườn quốc gia Côn Đảo diện tích gần 5.998 ha. Tài nguyên rừng đang có xu hướng giảm, các loại rừng giàu (trữ lượng gỗ trên 180 m3/ha) không còn, rừng trung bình chỉ còn lại 1,5% diện tích có rừng. Trước kia trong rừng có trên 700 loài gỗ, thảo mộc và hơn 200 loài động vật trong đó có nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm nhưng đến nay hầu như các loại gỗ và động vật quý hiếm không còn.
Rừng của Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ có tầm quan trọng trong tạo cảnh quan, môi trường, phòng hộ và phát triển du lịch, còn việc khai thác rừng lấy gỗ, nguyên liệu không lớn.
4. Tài nguyên khoáng sản
Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều loại khoáng sản, nhưng đáng kể nhất là dầu mỏ, khí thiên nhiên và khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong vùng có tiềm năng lớn về dầu mỏ và khí thiên nhiên của Việt Nam. Tổng trữ lượng tiềm năng dầu khí theo xác minh năm 2000 vào khoảng 2.500 – 3.500 triệu m3 (bao gồm dầu 957 triệu m3, khí 1.500 tỷ m3). Trong tổng trữ lượng dầu khí đã xác minh, vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có trữ lượng là 400 triệu m3 dầu, chiếm 93,29% trữ lượng cả nước; trữ lượng dầu khí khoảng trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% trữ lượng khí cả nước.
Dầu mỏ và khí đốt của Bà Rịa – Vũng Tàu phân bố chủ yếu ở bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn. Bể Cửu Long trữ lượng khai thác khoảng 170 triệu tấn dầu và 28 – 41 tỷ m3 khí. Trong đó, mỏ Bạch Hổ trữ lượng 100 triệu tấn dầu và 25 – 27 tỷ m3 khí, mỏ Rồng trữ lượng 10 triệu tấn dầu và 2 tỷ m3 khí, mỏ Hồng Ngọc và Rạng Đông trữ lượng 50 – 70 triệu tấn dầu và 10 – 15 tỷ m3 khí. Bể Cửu Long có điều kiện khai thác tốt nhất do nằm không xa bờ, trong vùng biển nông (độ sâu đáy <50 m), thuộc khu vực không có bão lớn. Bể Nam Côn Sơn: trong 60 cấu tạo phát hiện, có nhiều cấu tạo đã khoan thăm dò và có dấu hiệu như Dừa, Mùa (lô 8), Đại Hùng, Thanh Long (các lô 05, 11, 12, 06, 04); các mỏ có triển vọng là Đại Hùng, Thanh Long, Lan Tây, Lan Đỏ, Mộc Tinh, Rồng Bay, Mỏ Đại Hùng đã đi vào khai thác từ tháng 10 – 1994, trữ lượng khai thác dao động trong khoảng 30 – 50 triệu tấn dầu và 6 – 10 tỷ m3 khí. Trữ lượng mỏ Lan Tây là 42 tỷ m3 khí, Lan Đỏ 14 tỷ m3 khí, sau đó có thể đưa lên 80 tỷ m3 cho cả 2 mỏ.
Tài nguyên dầu khí với tổng trữ lượng tiềm năng và tổng trữ lượng đã xác minh, đủ điều kiện để tỉnh phát triển công nghiệp dầu khí thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp cả nước và đưa Bà Rịa – Vũng Tàu thành một trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam.
Khoáng sản làm vật liệu xây dựng của Bà Rịa – Vũng Tàu rất đa dạng, bao gồm: đá xây dựng, đá ốp lát, phụ gia xi măng, cát thuỷ tinh, bentonit, sét gạch ngói, cao lanh, cát xây dựng, than bùn, immenit… Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng 19 mỏ với tổng trữ lượng 32 tỷ tấn, phân bố ở hầu khắp các huyện trong tỉnh, nhưng chủ yếu ở các huyện Tân Thành, Long Đất, thị xã Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu. Chất lượng đá khá tốt, có thể dùng làm đá dăm, đá hộc cho xây dựng; giao thông, thuỷ lợi, đá khối cho xuất khẩu. Nhìn chung các mỏ nằm gần đường giao thông nên khai thác thuận lợi.
Đá ốp lát có 8 mỏ lớn với tổng trữ lượng 1.324 triệu m3, chủ yếu nằm ở huyện Côn Đảo. Chất lượng đá tốt, màu sắc đẹp, nguyên khối lớn; phụ gia xi măng có 6 mỏ thuộc 3 huyện Long Đất, Xuyên Mộc và thị xã Bà Rịa, tổng trữ lượng 44 triệu tấn. Các mỏ đều có điều kiện khai thác thuận lợi, có thể khai thác làm chất kết dính, phụ gia xi măng. Tuy nhiên do xa nơi tiêu thụ nên giá thành cao, ít có ý nghĩa kinh tế; cát thuỷ tinh, có 3 mỏ thuộc hai huyện Xuyên Mộc và Tân Thành, tổng trữ lượng 41 triệu tấn, chủ yếu là cát trắng thạch anh và cát thuỷ tinh. Điều kiện khai thác thuận lợi nhưng chất lượng cát chỉ ở mức trung bình có thể sử dụng làm thuỷ tinh cấp thấp như bao bì và hàng dân dụng.
Ngoài ra, Bà Rịa – Vũng Tàu còn có một trữ lượng đáng kể các loại khoáng sản vật liệu xây dựng khác như sét gạch ngói, cao lanh, cát xây dựng, bentonit… nằm rải rác ở nhiều nơi, cho phép hình thành ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng rộng khắp trong tỉnh.
5. Tài nguyên biển
Bà Rịa – Vũng Tàu có bờ biển dài 305,4 km, trong đó khoảng 70 km có bãi cái thoai thoải, nước xanh, có thể dùng làm bãi tắm quanh năm. Vịnh Giành Rái rộng khoảng 50 km2 có thể xây dựng một hệ thống cảng hàng hải.
Với diện tích thềm lục địa trên 100.000 km2 đã tạo cho tỉnh không những có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, mà còn tạo ra một tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển.
Thềm lục địa của Bà Rịa – Vũng Tàu có 661 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực, hàng ngàn loài tảo, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng hải sản có thể khai thác tối đa hàng năm từ 150.000 – 170.000 tấn.
Tài nguyên biển của Bà Rịa – Vũng Tàu rất thuận lợi cho phát triển vận tải biển, hệ thống cảng, du lịch và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch
Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều di tích lịch sử, văn hoá được phân bố đều khắp trên các huyện (đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di 25 di tích). Hầu hết di tích hiện có đều có khả năng khai thác phục vụ mục đích tham quan du lịch như khu Đình Thắng Tam. Thích Ca Phật Đài, Niết Bàn Tịch Xá, Tượng chúa Giêsu, Khu Bạch Dinh, Tháp đèn Hải Đăng… và các di tích lịch sử cách mạng như địa đạo Long Phước, khu căn cứ kháng chiến Bàu Sen, căn cứ núi Minh Đạm,… đặc biệt là khu nhà tù Côn Đảo và khu nghĩa trang Hàng Dương.
Hoạt động lễ hội phong phú như: lễ hội Miếu Bà hàng năm diễn ra vào các ngày 16, 17, 18 tháng 10 âm lịch; lễ hội rước cá Ông tại Đình Thắng Tam vào các ngày 16, 17, 18 tháng 6 âm lịch với những hình thức tế lễ riêng của ngư dân miền Biển; lễ Trùng Cửu ngày 9 tháng 9 âm lịch hàng năm diễn ra ở Long Sơn thành phố Vũng Tàu; lễ Cô ở Long Hải vào các ngày 11, 12, 13 tháng 2 âm lịch. Các lễ hội là dịp thu hút khách du lịch từ khắp nơi về tế lễ kết hợp tham quan du lịch, tắm biển.
Sự gắn kết của các điều kiện tự nhiên (các bãi tắm, rừng nguyên sinh, các ngọn núi…) và các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn tỉnh, kết hợp với kết cấu hạ tầng khá đã tạo cho Bà Rịa – Vũng Tàu có thế mạnh vượt trội về du lịch.
2. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Trữ lượng, tài nguyên dầu khí đủ điều kiện cho tỉnh phát triển công nghiệp dầu khí thành công nghiệp mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp cả nước và đưa Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành một trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam.
Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để phát triển ngành du lịch với nhiều bãi tắm nổi tiếng, hệ thống hang động, các di tích lịch sử, đặc biệt là các di tích lịch sử Côn Đảo.
(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
 1
CÁC TIN LIÊN QUAN

 
  • Tiêu đề
  • Tiêu đề
  • Tiêu đề
  • Tiêu đề
  • Tiêu đề
  • Tiêu đề

giuong sat giuong sat gia re giuong sat 2 tang