Cục Thuế tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người nộp thuế trên địa bàn đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định của Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng HĐĐT tại nhiều DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập cần sớm được khắc phục để bảo đảm chuyển đổi theo đúng lộ trình đã đề ra.

Người dân làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế tỉnh. Ảnh: PHAN HÀ

Nghị định số 119 của Chính phủ quy định lộ trình chuyển sang sử dụng HĐĐT từ ngày 1/11/2018 đến 1/11/2020. Theo Tổng cục Thuế, việc áp dụng HĐĐT mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng như: Giảm chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ; thuận tiện cho việc hạch toán kế toán. Không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí, thông qua sử dụng HĐĐT, DN có cơ hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Về phía cơ quan thuế, sử dụng HĐĐT góp phần rút gọn các thủ tục đăng ký phát hành, báo cáo tình hình sử dụng, lập bảng kê hóa đơn; đồng thời ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ việc trốn thuế. Ngoài ra, thông qua HĐĐT, người mua hàng có thể truy cập vào website của bên bán để xem và tải hóa đơn khi cần, tránh rủi ro mất hóa đơn.

Mặc dù có rất nhiều lợi ích, tuy nhiên theo phản ánh của các DN, trong quá trình sử dụng HĐĐT, bước đầu không tránh khỏi những khó khăn vướng mắc. Ông Phạm Anh Tuấn, Kế toán trưởng Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (KCN Phú Mỹ I, TX. Phú Mỹ) cho biết: Là DN hoạt động trong lĩnh vực thép, nguyên liệu và sản phẩm đều liên quan đến xuất nhập khẩu nên hóa đơn nhập hàng, xuất hàng rất nhiều. Các hóa đơn xuất, nhập hàng có nhiều loại, bao gồm cả hóa đơn giấy, cả HĐĐT của nhiều đối tác trong và ngoài nước. Theo quy định tại Nghị định 119, DN buộc phải lưu trữ hóa đơn bằng HĐĐT và phải có chữ ký số, tuy nhiên không phải đối tác nào cũng thực hiện kê khai hàng hóa bán cho DN theo HĐĐT. Trong khi đó, phần mềm HĐĐT của các DN hiện nay khác nhau nên khi DN nhận HĐĐT thường bị lỗi các thông tin trên hóa đơn.

Ngoài ra, theo Thông tư 32/2011/TT-BTC quy định muốn áp dụng HĐĐT, DN phải đáp ứng hàng loạt điều kiện như: Có địa điểm, đường truyền tải thông tin, mạng, thiết bị truyền tin đáp ứng nhu cầu kiểm soát, xử lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ HĐĐT… Trên thực tế, hiện nay hơn 90% DN trên địa bàn tỉnh là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, nhiều DN nhân sự chỉ có 3-4 người, cơ sở hạ tầng còn hạn chế thì khó đáp ứng đồng bộ các yêu cầu nêu trên. Đại diện Công ty TNHH Thép miền Nam, ông Nguyễn Hải Bằng phản ánh: Thời gian qua công ty tự thực hiện việc kê khai HĐĐT mà không qua công ty trung gian. Tuy nhiên, các HĐĐT đầu vào thực hiện trên các phần mềm khác nhau nên việc theo dõi, quản lý và kiểm tra cũng khá khó khăn. Đơn cử như một hóa đơn mua hàng bên bán gửi cho DN trên định dạng file PDF. Khi DN “copy link” từ website của đơn vị cung cấp hàng hóa cho DN về lưu trữ thì trên file hiển thị ở phần ký tên chỉ có dòng chữ “đã ký và đóng dấu”. Theo nguyên tắc tài chính thì file này không hợp lệ do không có chữ ký số. Muốn kiểm tra thông tin trong hóa đơn, DN phải xin mã code của bên bán, tuy nhiên không phải DN nào cũng chịu cung cấp mã code này. “Không chỉ khó khăn trong việc kê khai, theo dõi, việc lưu trữ HĐĐT cũng gặp không ít khó khăn, do file HĐĐT kèm chữ ký số thường chiếm dung lượng lớn trên 1Mb trở lên. Trong khi đó, số hóa đơn đầu vào của DN mỗi tháng từ vài trăm cái trở lên, muốn lưu trữ được, máy chủ của DN phải có dung lượng lớn, phải xây dựng website và có đội ngũ công nghệ thông tin riêng. Việc này khiến DN phải tốn một khoản chi phí lớn để đầu tư hạ tầng và nhân sự”, ông Bằng nói.

Trước những bất cập trong việc sử dụng HĐĐT, mới đây, tại hội nghị đối thoại với các DN diễn ra vào ngày 25/6 vừa qua, bà Nguyễn Thị Bé Ba, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng HĐĐT bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ khuyến khích các DN áp dụng HĐĐT chứ chưa bắt buộc tất cả phải lưu trữ bằng HĐĐT. Vì vậy, trong khi chờ Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 119, trước mắt các DN vẫn thực hiện kê khai và lưu trữ hóa đơn theo cả 2 trường hợp là hóa đơn giấy và HĐĐT. DN cũng có thể lựa chọn loại hóa đơn cảm thấy đủ tin cậy để yêu cầu bên cung cấp hàng hóa cung cấp hóa đơn theo yêu cầu của DN. Sau khi có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 119, bên thuế chỉ quản lý HĐĐT. Về những khó khăn trong việc lưu trữ HĐĐT do các phần mềm không tương thích và DN thấy không yên tâm, DN có thể yêu cầu bên bán chuyển đổi sang hóa đơn giấy hoặc DN tự chuyển HĐĐT đầu vào sang hóa đơn giấy. Đồng thời, ngành thuế cũng ghi nhận và xem xét để tìm giải pháp, hỗ trợ tối đa để DN thực hiện có hiệu quả việc kê khai HĐĐT.

Tác giả: Đông Hiếu

Nguồn trích: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201906/trien-khai-su-dung-hoa-don-dien-tu-phat-sinh-nhieu-bat-cap-860686/

 

Related posts