DNTN Hồng Thanh (112/42 Trần Phú, TP. Vũng Tàu), đầu tư hơn 200 triệu đồng

để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà, phục vụ hoạt động kinh doanh.

NHIỀU DN TÌM KIẾM CƠ HỘI ĐẦU TƯ

BR-VT có nhiều tiềm năng phát triển điện gió và điện mặt trời. Thời gian qua, cùng với các chính sách phát triển năng lượng sạch của Chính phủ, BR-VT đã ưu tiên thu hút đầu tư điện mặt trời, điện gió. Chủ trương này nhằm góp phần giảm sự phụ thuộc của BR-VT vào nguồn năng lượng truyền thống. Việc thu hút đầu tư điện mặt trời, điện gió còn có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với Côn Đảo – nơi nguồn điện lưới quốc gia chưa thể vươn tới; các nhà máy phát điện diesel ở Côn Đảo công suất hạn chế, vận hành tốn kém và chưa đáp ứng được nhu cầu về điện của người dân.

Trước sự cởi mở về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, thời gian qua, nhiều DN trong và ngoài nước đã tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Trong đó, một số dự án điện mặt trời đã được triển khai xây dựng. Chẳng hạn, Công ty Halla E&C và Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, công suất 100MW tại KCN Châu Đức. Diện tích đất sử dụng 60ha, giai đoạn 1 đầu tư hơn 1.858 tỷ đồng, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12-2018.

Ngoài ra, Công ty Myeongwoo ES (Hàn Quốc) đang triển khai dự án Nhà máy điện mặt trời tại KCN Đá Bạc (Châu Đức), công suất 200MW, vốn đầu tư 47 triệu USD. Mục tiêu mà dự án hướng đến là sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho các DN trong KCN Đá Bạc.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Shin Won (Hàn Quốc) cũng đã xin chủ trương đầu tư điện gió theo công nghệ mới tại khu vực xã An Ngãi (Long Điền) và huyện Côn Đảo, với tổng công suất khoảng 60MW… Tập đoàn Solar Ventures (Italia) cũng đang có hướng đầu tư nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc), công suất 30MW. Diện tích đất xây dựng nhà máy khoảng 40ha nằm dọc tỉnh lộ 329…

Riêng huyện Côn Đảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, hiện công ty đang làm chủ đầu tư dự án lắp đặt pin năng lượng mặt trời với tổng công suất 3MW (giai đoạn 1 công suất 1,5MW) tại huyện Côn Đảo. Dự án sẽ thực hiện tại khu vực bãi Đất Dốc với diện tích 43,4ha, tổng kinh phí khoảng 180 tỷ đồng.

CHÍNH SÁCH CẦN SÁT THỰC TẾ 

Nhằm khuyến khích các dự án điện mặt trời, ngày 11-4-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/QĐ-TTg (Quyết định 11) về cơ chế ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Theo Quyết định 11, giá mua điện tại thời điểm giao nhận điện (nối lưới vào hệ thống điện quốc gia) được nâng lên 2.086 đồng, cao hơn so với mức giá điện trung bình hiện nay là 1.280 đồng/kWh. Ngoài ra, chủ đầu tư còn được hưởng nhiều ưu đãi thuế suất như miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho xây dựng nhà máy điện mặt trời; miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước tại vị trí công trình, đường dây, trạm biến áp đấu nối với lưới điện.

Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ phần nào đó đã khuyến khích DN đầu tư vào các dự án điện năng lượng mặt trời, cũng như các dự án năng lượng sạch khác. Sau khi có Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về phát triển dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, nội dung Thông tư đang có những điểm chưa sát với tình hình thực tế. Thông tư này nêu rõ: Bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời (nối lưới điện quốc gia) có ngày vận hành thương mại trước 30-6-2019. Điều này đồng nghĩa với việc, muốn được áp giá bán điện theo Quyết định 11, DN chỉ còn hơn 20 tháng nữa để hoàn thành xây dựng. Đây là thời gian quá ngắn so với khối lượng công việc cần thiết để đầu tư một nhà máy điện mặt trời. Chưa kể, đối với dự án điện mặt trời, nhà đầu tư còn phải hoàn chỉnh rất nhiều thủ tục để được cấp phép đầu tư.

Bên cạnh đó, theo Quyết định 11, giá bán chỉ có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 đến ngày 30-6-2019. Theo các nhà đầu tư, thời gian áp dụng mức giá như vậy là quá ngắn. Bên cạnh đề nghị kéo dài thời gian áp dụng mức giá hỗ trợ, các nhà đầu tư còn mong muốn Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời và cơ chế hòa lưới điện quốc gia; ban hành bộ tiêu chuẩn đầy đủ cho các thiết bị liên quan đến điện mặt trời, như tiêu chuẩn tấm pin, giàn khung đỡ… để hạn chế lưu thông sản phẩm kém chất lượng, định hướng đúng cho người dân về hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời.

Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT nhận định: Việc triển khai chính sách, cơ chế ưu đãi thu hút nhà đầu tư cần có tính ổn định và lâu dài mới “đủ sức” hấp dẫn đầu tư vào các dự án điện mặt trời nói riêng, năng lượng sạch nói chung trên địa bàn BR-VT. Từ đó góp phần bảo đảm đủ nguồn năng lượng phục vụ nhu cầu sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tác giả: Trần Minh (Báo BRVT).

Nguồn trích: http://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201711/thu-hut-du-an-nang-luong-sach-chinh-sach-can-coi-mo-hon-768334/

 

Related posts